Cây Quýt trong dân gian còn có nhiều tên gọi khác là Quýt, Quýt Xiêm, Trần bì (vỏ quýt). Tên khoa học là Citrus reticulata Blanco. (C.nobilis Lour var. deliciosa Swingle. C. deliciosaTenor), thuộc họ Cam – Rutaceae.
Cây gỗ nhỏ dáng chắc và bền, thân và cành có gai. Lá đơn, mọc so le, phiến lá hình ngọn giáo hẹp có khớp, trên cuống lá có viền mép. Hoa nhỏ, màu trắng. Quả hình cầu, hơi dẹt, màu da cam hay đỏ. Vỏ mỏng, nhẵn hay sần sù.
Ngày nay cây Quýt được trồng rộng khắp trên đất nước Việt Nam và hầu hết chúng ta có thể sử dụng tất cả những gì có của quả quýt:
Quýt khi chín, tùy loại có vị ngọt thanh hay ngọt dịu đặc trưng. Sử dụng trong thực phẩm dùng để giải khát, ăn trực tiếp hay làm mứt
Vỏ quả chín đã phơi hoặc sấy khô và để lâu năm của cây quýt thường được gọi là Trần bì.
Vỏ quả còn xanh thường gọi là Thanh bì.
Vỏ quả ngoài gọi là Quất hồng.
Xơ của múi Quýt còn được gọi là quất lạc.
Vỏ Quýt có chứa tinh dầu là d và dl-limonen 78,5%, d và dl-limonene 2,5% tương ứng với 2 loại dầu và linalool 15,4%. Còn có một ít citrale, các aldehyd nonylic và decylic và chừng 1% methyl anthranylat methyl.
Ngoài ra còn có acid amin tự do, acid citric, vitamin C, carotene.
Theo đông y: vỏ quýt có mùi thơm, vị đắng, cay tính ôn, đi vào các kinh can, đởm, tỳ vị. Có tác dụng sơ can, phá khí, tiêu tích hóa trệ. Chủ trị các chứng như ngực sườn đau tức, bệnh sán khí (thoát vị bẹn), hạch ở vú, viêm vú, thức ăn tích lại trong dạ dày sinh ra chứng đầy trướng đau bụng.
Một số bài thuốc về cây quýt ( Chỉ có giá trị tham khảo, khuyến khích hỏi bác sĩ trước khi sử dụng)
Trị viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm:
Viễn chí 12g + trần bì, cam thảo mỗi vị 4g. Cho tất cả vào sắc lấy nước uống.
Hỗ trợ chữa viêm phế quản mạn tính:
Cóc mằn tươi, bách bộ mỗi vị cân lấy 10g + lá hen 12g + trần bì 8g, sắc lấy nước uống, mỗi ngày một thang. Uống 10-15 ngày.
Chữa đau lưng:
Kê huyết đằng, rễ trinh nữ, tỳ giải, ý dĩ mỗi vị lấy 16g + cỏ xước 12g + quế chi, rễ lá lốt, thiên niên kiện mỗi vị 8g + trần bì 6g. Cho vào sắc lấy nước uống.
Trị viêm nhiễm đường hô hấp, viêm họng, viêm khí quản mạn tính:
Bình vôi 12g + huyền sâm 12g + cát cánh 12g + trần bì 10g. Sắc chung lấy nước uống, duy trì uống liên tục mỗi ngày một thang.
Trị chân tay yếu mềm và tỳ vị hư nhược:
Hoài sơn 12g + ngũ gia bì, bạch truật, đương quy, biển đậu, đinh lăng mỗi vị cân lấy 16g + cao lương khương, trần bì mỗi vị 10g + táo tàu 5 quả + sinh khương 6g. Đem sắc với 400ml nước, gạn lấy nước, bỏ bã và chia thành 2 lần uống.
Trị dày da bụng do thấp tỳ:
Hoài sơn, ngấy hương, bạch truật, ngũ gia bì, ngải diệp, đinh lăng và lá đắng mỗi vị cân lấy 16g + trần bì 10g. Đem các vị đi sơ chế sạch, cắt thành khúc nhỏ, bỏ vào nồi sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
Chữa đau dây thần kinh hông:
Uy linh tiên, độc hoạt, đan sâm, tang ký sinh, ngưu tất, xuyên khung, mỗi vị 12g + phòng phong, quế chi, tế tân, chỉ xác, trần bì, mỗi vị 8g, Cho tất cả các vị vào sắc lấy nước uống.
Trị rong kinh:
Ngưu tất, bạch truật, cỏ nhọ nồi mỗi vị 12g + phục linh, bán hạ (chế), trần bì, hương phụ, mỗi vị 8g. Cho tất cả các vị vào sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng một thang. Duy trì uống liên tiếp 2-3 tuần cho hết một liệu trình.
Bài thuốc trị khí hư ra màu xanh
Trần bì, sài hồ mỗi vị lấy 4g + phòng phong, chi tử và nhân trần mỗi vị lấy 12g + bạch phục linh, cam thảo (sống) và bạch thược mỗi vị lấy 20g. Đem các vị sắc lấy nước uống.
Trong thực phẩm
Sử dụng làm nước giải khát
Ăn trực tiếp
Làm mứt